BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh – Trưởng khoa Sơ sinh,Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, rất nhiều bố mẹ băn khoăn về việc cho trẻ nằm máy lạnh đúng cách. Trẻ nhỏ có thân nhiệt cao, thường cảm thấy nóng hơn người lớn nên vào mùa hè vẫn nên cho bé nằm máy lạnh. Tuy nhiên, cần sử dụng máy lạnh đúng cách để tránh bệnh đường hô hấp ở trẻ như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản…
Theo bác sĩ Phạm Lê Mỹ Hạnh, nếu để trẻ nhiễm lạnh khi nằm máy lạnh, sức đề kháng của trẻ sẽ yếu đi, các vi sinh vật dễ xâm nhập gây bệnh. Còn nếu phụ huynh để máy lạnh nhiệt độ cao, trẻ bị đổ mồ hôi làm ướt quần áo, để lâu trẻ lại dễ bị nhiễm lạnh và da bị rôm sảy. Ngoài ra, nhiệt độ phòng quá cao cũng là yếu tố nguy cơ gây đột tử ở trẻ (SIDS), thường gặp nhất gây tử vong ở trẻ từ 2 tuần tuổi đến 1 tuổi, chiếm từ 35 đến 55% tổng số tử vong ở lứa tuổi này.
Bác sĩ Phạm Lê Mỹ Hạnh lưu ý phụ huynh 5 điều sau khi cho trẻ dùng máy lạnh:
Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp
Tùy vào khả năng thích nghi của từng bé và từng gia đình, bố mẹ sẽ điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Quan trọng là không nên để chênh lệch nhiệt độ trong phòng và ngoài phòng quá cao, sẽ khiến bé không thích nghi được. Tốt nhất, phụ huynh không nên để máy lạnh ở chế độ chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời quá 7 độ C.
Trẻ nhỏ có nhiệt độ cơ thể khác biệt nên mới cần chỉnh máy lạnh cẩn thận hơn. Với trẻ sơ sinh thì nhiệt độ phòng nên từ 26-28 độ. Khi nằm trong bụng mẹ, thai nhi quen với thân nhiệt của mẹ khoảng 37 độ C. Sau khi sinh, nếu trẻ đủ tháng đã được chăm sóc đúng cách, thân nhiệt bình thường của trẻ sẽ ở khoảng 36,5-37,5 độ C. Nếu thấy trẻ đổ mồ hôi có nghĩa là quá nóng thì nên giảm nhiệt độ phòng xuống 1 độ, còn sờ thấy lạnh thì có thể đội nón, mang bao tay chân, mặc thêm áo ấm… Trẻ lớn hơn thì nhiệt độ có thể giảm xuống còn 20-22 độ C.
Điều chỉnh hướng của máy lạnh
Hệ hô hấp của trẻ nhỏ còn rất yếu chính vì vậy nếu để máy lạnh thốc thẳng vào người bé sẽ khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh và dễ mắc phải các bệnh hô hấp… Thế nên phụ huynh hãy đảm bảo rằng vị trí bé nằm ngủ được cách xa luồng gió lạnh thốc ra từ máy lạnh.
Tốt nhất cha mẹ nên điều chỉnh vị trí cánh cửa gió của máy lạnh không hướng trực tiếp về phía trẻ nằm, không đặt tốc độ quạt gió quá mạnh. Người lớn nên cài tốc độ quạt gió thấp nhất và để ở chế độ quay, tuyệt đối không để ở chế độ chạy thẳng một góc.
Vệ sinh máy lạnh thường xuyên
Khi máy lạnh hoạt động, không khí mát được tỏa ra và không khí trong phòng cũng được hút vào, kéo theo bụi, vi khuẩn gây bệnh. Khi màng lọc bẩn, bám đầy bụi, phụ huynh bật máy lạnh thì vô tình làm bụi bật ra và truyền virus, vi khuẩn cho bé. Lớp bụi, vi khuẩn bám trên lưới lọc không khí, cánh quạt, không chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng mà còn có thể phát tán vi khuẩn tích tụ trong máy máy lạnh, gây bệnh cho những người có sức đề kháng yếu.
Nếu 2-3 năm không được bảo dưỡng, máy lạnh thậm chí còn bẩn hơn nhà vệ sinh. Do đó, việc vệ sinh máy lạnh định kỳ, rửa lưới lọc ở giàn lạnh, làm sạch dàn nóng là rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe gia đình, đặc biệt là sau khi có người bị mắc các bệnh hô hấp.
Phụ huynh nên vệ sinh máy lạnh cách 1-2 tuần mỗi lần để làm sạch máy lạnh, loại bỏ những nấm mốc, vi khuẩn gây hại sức khỏe, bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Không lạm dụng máy lạnh
Phụ huynh nên sử dụng máy lạnh phù hợp, không nhất thiết cho trẻ ở trong phòng máy lạnh 24/24 giờ, tránh tình trạng không khí chuyển sang lạnh, tù đọng, không tốt cho sức khỏe và hệ hô hấp của trẻ. Mẹ có thể sử dụng quạt điện để làm mát cho trẻ khi trời không quá nóng hoặc quá ẩm.
Khi tắt máy lạnh, nên mở hết các cửa để không khí lưu thông, dùng quạt thổi hết không khí tù đọng ra ngoài, đón ánh sáng tự nhiên để căn phòng thông thoáng, mát mẻ, tạo cho trẻ cảm giác dễ chịu hơn.
Trường hợp trong gia đình có người bị ốm không nên ở chung trong một phòng máy lạnh để tránh virus không thoát ra được, sẽ lây lan cho cả gia đình. Cha mẹ tốt nhất hãy mở cửa thông thoáng để virus bay ra ngoài, phòng tránh tình trạng lây nhiễm bệnh cho người xung quanh.
Quy tắc 3 phút tránh bệnh cho trẻ khi sử dụng máy lạnh
Chênh lệch, thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa trong và ngoài phòng máy lạnh có thể gây ảnh hưởng sức đề kháng của trẻ, khiến trẻ dễ bị sốc nhiệt, gây sốt, cảm cúm… Để tránh hiện tượng sốc nhiệt ở trẻ do thay đổi nhiệt độ đột ngột, trước khi cho bé ra bên ngoài môi trường phòng máy lạnh, phụ huynh nên mở cửa trước đó 3 phút (hoặc tắt máy lạnh), cho bé vui chơi ở gần đó, thích nghi dần với luồng không khí nóng rồi hãy đưa trẻ ra ngoài.
Khi bé từ ở ngoài vào phòng máy lạnh, phụ huynh cũng nên lau sạch mồ hôi và để bé nghỉ ngơi khoảng 3 phút ở nhiệt độ phòng trước khi bật máy lạnh.